Đang gửi...

Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?

"Năm 2010, chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu tăng trưởng giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ từ 8-10% so với năm nay. Hiệp hội sẽ đăng ký với Bộ Công Thương kim ngạch khoảng 3 tỷ USD", Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ông Nguyễn Tôn Quyền, nói với VnEconomy ngày hôm qua.

Mặc dù phải đến tháng 12/2009, Hiệp hội mới họp với các thành viên, nhưng “tâm tư, nguyện vọng” của doanh nghiệp ngành gỗ đặt cả vào đây. Dư địa cho tăng sản lượng vẫn còn, thị trường chưa quay lưng với đồ gỗ Việt Nam, mức kim ngạch mà Hiệp hội dự báo được không ít doanh nghiệp đồng tình.

Thị trường đã có tín hiệu tốt

"Gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2009 này, từ chuyện bạn hàng ép giá khiến đơn giá sản phẩm giảm tới 10%, đến việc áp các quy chuẩn mới về hóa chất sử dụng, quy định chứng minh nguồn gốc nguyên liệu…, tuy nhiên, có khả năng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ trong năm nay vẫn đạt khoảng 2,7 tỷ USD, chỉ thấp hơn năm 2008 khoảng 100 triệu USD", ông Quyền vui vẻ cho biết.

Nếu so với mức sụt giảm kim ngạch đã có lúc lên đến trên 15%, kết quả này là đáng kể. Từ đầu quý 4/2009 trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đã “quay đầu” tăng trưởng. Đây là lý do chính khiến ngành gỗ khá tin tưởng vào triển vọng lạc quan trong năm 2010.

“Đáng mừng hơn nữa, lượng hợp đồng gia công đồ gỗ xuất khẩu, tính cho đến thời điểm này không có dấu hiệu giảm sút. Với Hoa Kỳ, thị trường nhập khẩu đồ gỗ quan trọng nhất của Việt Nam, lượng hợp đồng không những không giảm, thậm chí còn tăng hơn”, Tổng thư ký Quyền cho biết thêm.

Trong năm 2009, nhiều cuộc họp được Bộ Công Thương chủ trì nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ngành hàng đã có tác dụng tốt. Những vấn đề như thiếu vốn cho sản xuất, thiếu nguồn cung nguyên liệu gỗ… thì nay đã cơ bản thoát khỏi tình trạng “ăn đong”.

Đón tín hiệu lạc quan từ thị trường, các doanh nghiệp đã chuẩn bị khá tốt cho năm 2010. “Về nguyên liệu, cơ bản là ổn. Nhiều doanh nghiệp đã tăng cường sử dụng nguồn gỗ rừng trồng trong nước. Cho đến nay, riêng nguồn cung nguyên liệu gỗ trong nước đã đảm bảo đáp ứng được 30%”, ông Quyền nói.

Kết quả còn chờ năm sau

Nhưng, những dấu hiệu lạc quan kể trên chưa thể xóa nhòa những lo ngại từ rủi ro còn tiềm ẩn trong năm 2010.

Trước câu hỏi liệu Hiệp hội có chắc chắn với mức kim ngạch mình dự báo hay không, ông Quyền cho rằng vẫn phải đợi tình hình thực tế của năm tới.

Lý do mà ông đưa ra là nhiều quy định của các thị trường nhập khẩu đỗ gỗ chính của Việt Nam sẽ có hiệu lực trong năm 2010, rào cản kỹ thuật sẽ thắt chặt hơn, đặc biệt sẽ gây áp lực lớn hơn đối với các nhà sản xuất và cung cấp đồ gỗ.

“Những hợp đồng ký cho năm 2010 đều đã đưa thêm các điều khoản mới liên quan đến vấn đề này”, ông Quyền không giấu vẻ lo lắng.

Việc tăng cường kiểm soát chì trong sơn, formaldehyde trong keo dán gỗ… chắc chắn sẽ buộc doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn cho khâu quản lý chất lượng. Một số doanh nghiệp đã rục rịch tính chuyện xây dựng phòng thí nghiệm riêng, dù sẽ phải tốn kém không ít tiền và thời gian chuyển giao công nghệ.

Hơn nữa, với những quy định về nguồn cung gỗ, một số nguyên liệu sử dụng trong gia công, chế biến thì quá trình đàm phán cũng cần phải có những chuyên gia thông hiểu các vấn đề về hợp đồng. “Như thế lại phải thuê chuyên gia, thêm nhân lực, doanh nghiệp sẽ phải cộng thêm chi phí”, ông Quyền nói.

Với những doanh nghiệp lớn, kim ngạch xuất khẩu cả trăm triệu USD mỗi năm, những chi phí ấy được cho là hợp lý, là đầu tư cho lâu dài. Nhưng không ít doanh nghiệp, mỗi năm chỉ xuất khẩu trên dưới 1 triệu USD, đây là khoản chi lớn mà hiệu quả sử dụng không cao. “Doanh nghiệp nhỏ thì có khi chết, không xoay được”, ông Quyền nhận xét.

Những khó khăn trong năm 2009 đã được Bộ Công Thương giải quyết rất tốt. Nhưng đó là trong tình hình kim ngạch xuất khẩu chung suy giảm mạnh. Năm nay, nếu các ngành khác đều thuận lợi, liệu Bộ có quan tâm giải quyết những vấn đề của ngành gỗ, cụ thể như hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung, hay hỗ trợ tìm nguồn cung sản phẩm đạt chuẩn…? Điều này, có lẽ cũng phải chờ đến năm sau.

VnEconomy

Tin khác

Call 0904 279 585
top